10 điều cần biết trước khi mở quán café

Hiện nay, rất nhiều người muốn đầu tư vào quán café. Việc mở quán café dù ở mô hình nhỏ hay lớn thì đều cần tiền. Đó là điều hiển nhiên như mặt trời mặt đằng đông. Tuy nhiên, thế thôi chưa đủ, để kinh doanh thành công, bạn cần rất nhiều thứ khác ngoài tiền.
Vậy bạn cần những thứ gì nữa? Đọc tiếp nhé!
Bạn cần một mô hình hoạt động hiệu quả và có thể sinh lời. Không đơn giản là cách thức décor quán mà còn bao gồm cả mục tiêu kinh doanh, nghiên cứu thị trường, chiến lược kinh doanh, marketing được vạch ra cho cả về ngắn hạn, trung hạn, dài hạn…

1. Cần nghiên cứu thị trường – đối thủ cạnh tranh – khách hàng

Đây là bước cực kỳ quan trọng mà nhiều người khi mở quán café thường chủ quán hoặc bỏ qua. Rất nhiều người thất bại do làm không tốt hoặc làm sai ở bước này.
Khi nghiên cứu thị trường, bạn cần trả lời được các câu hỏi?
Về đối thủ cạnh tranh
-Đối thủ của bạn là ai?
-Họ bán cái gì? Mức giá như nào?
-Họ bán ở đâu? Họ có vị trí tốt không?
-Điểm mạnh, điểm yếu của họ trong menu và chiến lược kinh doanh của họ?
Về khách hàng
-Khách hàng mục tiêu của bạn là ai?
-Độ tuổi của khách hàng mục tiêu?
-Nghề nghiệp của nhóm khách mục tiêu
-Sở thích, thói quen tiêu dùng, mức chi trả của họ?
Nghiên cứu thị trường có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau: đi đến nơi bạn định thuê mặt bằng để khảo sát, khảo sát online, thuê các công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường.

2. Cần xác định được mô hình kinh doanh

Từ việc hiểu khách hàng mục tiêu của bạn là ai thì bạn sẽ lên được ý tưởng về mô hình kinh doanh của mình. Ví dụ: bạn bán café dạng quán cóc vỉa hè, quán take -away, cafe sân vườn hay café nhượng quyền…Tuỳ vào từng loại hình mà cần những thủ tục khác nhau.
Hãy lưu ý đến nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu và xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên sở thích, nhu cầu của nhóm khách hàng đó. Thị trường rộng lớn, vì vậy việc tập trung vào một nhóm đối tượng và tạo sự khác biệt về chất lượng sản phẩm/ không gian/ dịch vụ sẽ giúp bạn có được lợi thế cạnh tranh.

3. Lên được dự toán về tài chính và mục tiêu kinh doanh

– Cần xác định được vốn mà bạn có cho việc mở quán là bao nhiêu. Trong đó cần xác định rõ vốn cố định và vốn lưu động vì đều này rất quan trọng trong quá trình vận hành của quán.
– Cần chỉ rõ chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động theo lượng vốn
+ Chi phí cố định: tiền đặt cọc nhà và tiền thuê mặt bằng đợt 1, tiền pháp lý, tiền thi công, tiền decor quán, tiền dụng cụ pha chế, quầy bar, máy bán hàng, bàn ghế, đồng phục…
+ Chi phí duy trì: tiền thuê nhân viên, tiền nguyên liệu, tiền điện nước, tiền internet, tiền chi cho quảng cáo, khuyến mại…
-Xác định mục tiêu kinh doanh: Không có mục tiêu kinh doanh bạn dễ bị vào rơi tình trạng vô định và lạc, quán dễ bị lỗ. Bạn cần đặt ra cho mình những mục tiêu theo giai đoạn. Ví dụ: như doanh số đạt 200 triệu/tháng, mục tiêu 6 tháng- 1 năm – 2 năm… Tuy nhiên cần phải đặt ra những mục tiêu phù hợp với tiềm lực và thị trường, không phải là những mục tiêu không tưởng.
Những người mới làm quan ban đầu thì có 2 kiểu chọn phương án như sau.
– Tự làm, tìm từng đối tác cung cấp và cộng tất cả chi phí lại sẽ thành số tiền cần cho một quán. Cách này thỏa mãn cho người chủ là được kiểm soát mọi thứ nhưng yêu cầu khả năng người chủ quán phải biết lên kế hoạch, làm việc khoa học, kỹ năng làm dự án.
_ Nhờ dịch vụ set up quán café để tư vấn và giúp xây dựng, vận hành quán.
– Tìm tới các đơn vị nhượng quyền phù hợp với mong muốn và số tiền để làm 1 quán Cafe dạng chìa khóa trao tay. Kiểu này sẽ giúp bạn ít tốn thời gian, công sức và rủi ro nhưng tính riêng của bạn sẽ không được thể hiện.

4. Tìm địa điểm và thiết kế không gian quán

Phải thừa nhận một điều rằng địa điểm là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của kinh doanh F&B. Có nhiều người dù sản phẩm tốt nhưng vẫn phải đóng cửa vì nhiều nguyên nhân như: địa điểm bị khuất, chủ đòi lại nhà, không có chỗ để xe cho khách, v.v…
Dưới đây là các tiêu chí trong việc lựa chọn địa điểm mở quán cafe mà bạn cần chú ý:
+Diện tích: Tùy theo mô hình kinh doanh cũng như vốn của chủ quán để cân nhắc lựa chọn diện tích phù hợp. Ví dụ như mô hình cafe sân vườn sẽ cần đến diện tích lớn, mô hình cafe take-away thì diện tích nhỏ hơn.
+Khách hàng mục tiêu: Tuỳ vào nhóm khách mục tiêu mà lựa chọn địa điểm. Nếu đối tượng khách hàng là dân văn phòng, bạn nên tìm thuê những địa điểm gần các tòa nhà văn phòng lớn nơi tập trung nhiều công ty, nhiều trung tâm thương mại v.v… Đối tượng là học sinh-sinh viên thì ưu tiên ở những nơi có nhiều trường đại học…
+Chỗ để xe: Ngoài chỗ để xe cố định ví dụ như trước cửa hàng thì chủ quán có thể thuê những địa điểm rộng hơn gần đó để tiện cho khách hàng khi đến quán, hoặc có mối quan hệ tốt với chính quyền khu phố. Điều này cũng khá quan trọng nếu lượng khách của bạn càng ngày càng đông.
+Mật độ lưu thông: Bạn cần cân nhắc lựa chọn những địa điểm không quá chật hẹp, nằm trong khu vực ít tắc đường.
+Giá thuê: Giá thuê địa điểm tùy thuộc vào diện tích và địa điểm mà chủ quán thuê. Kinh phí thuê địa điểm nên chiếm tối đa 15% chi phí tổng là phù hợp nhất.

5.Thiết kế không gian phù hợp

Ngay khi đã tìm được địa điểm phù hợp, việc tiếp theo bạn cần hoàn thiện chính là thiết kế, concept, decor cho không gian quán. Từ ý tưởng ban đầu, bạn đã có được chủ đề, phong cách và hình ảnh quán mà mong muốn. Nếu bạn chưa có ý tưởng gì trong thiết kế thì bạn có thể thuê những đơn vị thi công bên ngoài. Hiện nay rất nhiều đon vị cung cấp dịch vụ này với các mức giá khác nhau tuỳ thuộc vào mô hình của quán bạn.
Tuy nhiên, dù tự thiết kế hay thuê ngoài thì bạn cũng chú ý tuân thủ các nguyên tắc:
Màu sắc không gian đi đúng phong cách chủ đạo.
Lựa chọn nội thất phù hợp với concept quán.
Lối đi thoáng rộng, tránh bày những vật dụng gây đổ vỡ.
Yếu tố phong thuỷ của cửa, quầy bar, cầu thang, vật trang trí…

6.Xây dựng menu phù hợp với khách hàng

Từ những thông tin thu được thông qua việc nghiên cứu thị trường, khách hàng và kết hợp với ý tưởng kinh doanh ban đầu, bạn có thể biết được mình muốn bán gì, đưa gì vào menu, giá cost bao nhiêu, giá bán bao nhiêu. Tuy nhiên, không nên “tham” đưa quá nhiều vào trong thực đơn vì sẽ khiến khách hàng cảm thấy loạn không biết gọi món gì. Nên có những món mũi nhọn, món đặc trưng của quán.

7. Mua sắm trang thiết bị cho quán

Thiết bị pha chế luôn là những thứ cần thiết nhất đối với 1 quán café. Ban nên đầu tư hệ thống máy pha café, máy xay café, máy xay sinh tố, máy đánh kem…để tiết kiệm thời gian cho nhân viên làm đồ, khách hàng không phải chờ đợi lâu và còn tạo sự chuyên nghiệp cho quán.
Bạn nên lưu ý chọn các hãng máy được tin dùng, chọn các nhà cung cấp uy tín có chính sách bán hàng và dịch vụ sau bán tốt để đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình vận hành kinh doanh quán.

Ngoài ra, bạn còn cần tìm nhà cung cấp cafe và nguyên liệu pha chế có uy tín về chất lượng và có giá cả cạnh tranh.

8.Tuyển và đào tạo nhân viên

Tuỳ vào mô hình và quy mô của quán mà bạn tuyển số lượng nhân viên cho hợp lý
Giá thuê nhân viên thường giao động 15k – 25k/giờ tuỳ vào trình độ và vị trí.
Nên ưu tiên những nhân viên đã có kinh nghiệm vì sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian đào tạo. Tuy nhiên nhân viên có kinh nghiệm sẽ có những tiểu xảo để gian lận hoá đơn, tiền hàng, cho nên bạn cần biết để tránh được những rủi ro này. Hãy tinh tế trong việc tuyển người nhé.
Sau khi thuê được nhân viên, tiếp theo bạn cần đào tạo quy trình phục vụ đã đề ra như: chào hỏi khách, cách thức bán hàng, làm đồ, phục vụ, xử lý vấn đề phát sinh, v.v…. Xây dựng được quy trình làm việc và cơ chế thưởng phạt công bằng sẽ giúp tạo động lực để nhân viên làm việc tốt hơn.
Khi quán cafe ngày càng phát triển, việc quản lý tất cả các vấn đề của quán ngày càng khó khăn: giờ giấc của nhân viên, hao hụt nguyên vật liệu, số lượng bán có khớp với số lượng hoá đơn,…thì lúc này bạn cần thuê 1 nhân viên quản lý. Người này sẽ giúp bạn đào tạo nhân viên mới, quản lý hoá đơn, làm báo cáo hàng ngày, tiếp nhận phản hồi của khách,…

9. Lên kế hoạch marketing cho quán

Khi mới mở cửa thì việc quan trọng cần làm nữa cần làm là phải marketing cho quán để khách hàng biết đến quán của bạn.
Dưới đây là một vài gợi ý về các cách thức marketing mà nhiều quán cafe hiện nay đã thực hiện và có hiệu quả:
+Hãy thiết kế các sản phẩm Post, Menu, hình ảnh quán, cùng các tuyên bố về giá trị phục vụ với khách hàng để gây ấn tượng và hút lượng người khách tới ủng hộ quán thời gian đầu.
+Phát tờ rơi: Hãy phát tờ rơi gần khu vực mở quán để người nhận biết và ghé thăm ngay sau khi nhận được thông tin. Hình thức này phù hợp với những quán cafe trong khu dân cư, gần khu vực trường học, văn phòng, chung cư, v.v…
+Quảng cáo trên mạng xã hội: Bạn có thể tạo các Fanpage và up những hình ảnh về không gian, đồ uống của quán, những chia sẻ, bình luận tích cực của khách hàng. Bạn có thể nghĩ đến việc chạy quảng cáo target tới các khách hàng mục tiêu. Bạn cũng có thể tối đa hóa công cụ tìm kiếm với các từ khóa theo phong cách của quán.
+Đăng bài quảng cáo trong các hội nhóm review: miễn phí hoặc trả phí
+Tổ chức sự kiện khai trương: Tại ngày khai trương, khi mọi thứ sẵn sàng đi vào hoạt động, hãy tổ chức các chương trình ca nhạc, mini game, bốc thăm trúng thưởng, v.v… để thu hút nhiều khách tham gia. Khi có nhiều người tham gia thì bạn cố gắng dùng ấn tượng về sản phẩm và dịch vụ để giữ chân họ.
+ Đừng quên tạo địa điểm Google map, tìm cách để khách hàng check-in để tăng đánh giá tại địa điểm của bạn

10. Cuối cùng là thủ tục pháp lý

Bạn cần đăng ký kinh doanh, giấy phép An toàn thực phẩm, giấy đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Để có được các giấy phép này bạn có thể lên phường, xã, hoặc các cơ quan chức năng để đăng ký hoặc thuê dịch vụ làm cho bạn.

Chúc các bạn kinh doanh thành công!

CEO Vcafe
Bài đã đăng: 98

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, hiện nay đang giữ chức vụ CEO cho CÔNG TY CPPT VIỆT CAFE, tôi tự tin với những kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề có thể mang đến cho quý khách hàng những kiến thức hữu ích về thị trường Cafe hiện nay. Xin cảm ơn Qúy khách hàng đã theo dõi…!